Quy định về Giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam

Nguyen Anh Thu07/12/2020

Để được phép làm việc/ lao động hợp pháp tại Việt Nam, người lao động nước ngoài bắt buộc cần có Giấy phép lao động. Vậy quy định về Giấy phép lao động cho người nước ngoài Việt Nam như thế nào, lợi ích của việc sở hữu giấy phép lao động ra sao, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cụ thể qua bài viết sau đây.

Giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam
Giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam

1. Giấy phép lao động là gì?

Giấy phép lao động được hiểu là một loại giấy tờ cấp bởi Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội, cho phép người nước ngoài được phép làm việc trong một khoảng thời gian dài nhất định tại Việt Nam.

Theo đó, người lao động sẽ không trực tiếp nộp đơn xin cấp Giấy phép lao động, mà sẽ phải thông qua công ty/ doanh nghiệp nơi người lao động sẽ làm việc tại Việt Nam hoặc thông qua một đơn vị dịch vụ bảo lãnh.

Giấy phép lao động được coi là một giấy tờ quan trọng, ngoài việc giúp công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, còn là tiền đề để xin Thẻ tạm trú cũng như visa lao động tại đây.

Thông tin trên Giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam bao gồm:

  • Số giấy phép lao động;
  • Họ và tên người lao động;
  • Ngày tháng năm sinh;
  • Giới tính;
  • Quốc tịch;
  • Số hộ chiếu, ngày hết hạn hộ chiếu;
  • Tên đơn vị/ doanh nghiệp làm việc;
  • Địa chỉ nơi làm việc;
  • Vị trí, chức danh công việc;
  • Thời hạn làm việc (nêu rõ từ ngày tháng năm nào đến ngày tháng năm nào);
  • Tình trạng giấy phép lao động (cấp mới, cấp lại, v.v.)

2. Lợi ích khi người nước ngoài có giấy phép lao động Việt Nam

Việc sở hữu Giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam mang lại rất nhiều lợi ích có thể kể đến như:

  • Công dân nước ngoài được phép làm việc hợp pháp, không bị trục xuất khỏi Việt Nam;
  • Nếu doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 – 75.000.000 VNĐ tùy theo mức độ vi phạm;
  • Sở hữu Giấy phép lao động sẽ giúp người nước ngoài dễ dàng làm thủ tục Thẻ tạm trú tại Việt Nam có thời gian lưu trú dài hạn;

3. Đối tượng được cấp giấy phép lao động Việt Nam

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng không phải ai cũng có thể được cấp loại giấy này. Vậy những đối tượng nào thuộc diện được cấp Giấy phép lao động tại Việt Nam?

Cho tới hiện tại, chỉ có 21 đối tượng thuộc diện được miễn giấy phép lao động Việt Nam, tìm hiểu thêm thông tin tại ĐÂY.

Điều kiện để được cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam cụ thể như sau:

  • Trên 18 tuổi, tuân theo đúng Luật Lao động Việt Nam hiện hành;
  • Có sức khoẻ tốt, đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu của công việc;
  • Không có tiền án tiền sự ở nước sở tại hoặc vi phạm an ninh quốc gia, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự bởi công an Việt Nam và cảnh sát quốc tế;
  • Sở hữu kiến ​​thức, công nghệ, trình độ và kinh nghiệm chuyên môn cao mà nguồn lực lao động tại Việt Nam hiện nay chưa thể quản lý được.

4. Thời hạn giấy phép lao động Việt Nam

Giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam có thời hạn lên tới 2 năm, và có thể được gia hạn.

Để được tư vấn chi tiết về gia hạn Giấy phép lao động Việt Nam, vui lòng liên hệ [email protected].

5. Thủ tục làm giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam

Để xin cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam, cả người lao động và người sử dụng lao động đều cần hợp tác để chuẩn bị hồ sơ và thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép lao động như sau:

Bước 1: Đăng ký nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài

Theo khuyến cáo, khoảng 30 ngày trước ngày dự kiến sử dụng lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) cần nộp hồ sơ lên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải trình về nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài để xin chấp thuận từ cơ quan này.

Hồ sơ bao gồm:

  • Công văn đăng ký nhu cầu tuyển dụng, có thể là:
    • Công văn giải trình mẫu 01 ban hành kèm theo Thông tư 18/2018/TT-BLĐTBXH nếu người sử dụng lao động chưa từng đăng ký và nhận được chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài, HOẶC
    • Công văn giải trình theo mẫu 02 ban hành kèm theo Thông tư 18/2018/TT-BLĐTBXH nếu đã được chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài nhưng có thay đổi nhu cầu sử dụng.
  • Giấy giới thiệu/giấy ủy quyền (nếu người đi nộp hồ sơ không phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp).

Địa điểm nộp hồ sơ là: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Thời gian xét duyệt để chấp thuận là 15 ngày làm việc.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ cấp giấy phép lao động

Trong quá trình đợi chấp thuận tại Bước 1, người lao động sẽ chuẩn bị các giấy tờ sau:  

  • Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài theo mẫu số 7
  • Giấy chứng nhận sức khỏe khám tại nước ngoài hoặc giấy khám sức khỏe khám tại Việt Nam tại các bệnh viện, phòng khám, có sở y tế đủ điều kiện theo quy định của Bộ y tế (trong vòng 12 tháng)
  • Lý lịch tư pháp của người nước ngoài cấp tại nước ngoài hoặc phiếu lý lịch tư pháp số 1 được cấp tại Việt Nam (Được cấp không quá 06 tháng)
  • Bản sao công chứng hộ chiếu và visa của người nước ngoài.
  • Văn bản chứng minh là quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật, giáo viên (Bằng đại học, giấy xác nhận kinh nghiệm làm việc nước ngoài tối thiểu là 03 năm,…)
  • 02 ảnh mầu, kích thước 4×6, phông nền trắng, không đeo kính.
  • Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài (Quyết định bổ nhiệm của công ty mẹ, hợp đồng lao động, Điều lệ công ty…)

Lưu ý: Các giấy tờ được cấp tại nước ngoài, như bằng đại học, giấy xác nhận kinh nghiệm cần được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch thuật công chứng ra tiếng Việt trước khi nộp lên Sở LĐTBXH.

Sau khi có văn bản chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài, sẽ bổ sung bản gốc văn bản này vào bộ hồ sơ đã chuẩn bị như ở trên.

Bước 3: Nộp hồ sơ xin giấy phép lao động

Ít nhất 15 ngày làm việc trước ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc, người sử dụng lao động phải nộp bộ hồ sơ xin cấp giấy phép lao động tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

Bước 4. Nhận giấy phép lao động

Thời gian cấp giấy phép lao động là 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.

Trog vòng 7 ngày này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài theo mẫu do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định. Trường hợp không cấp giấy phép lao động thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Với trọn bộ hướng dẫn xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam nói trên, hy vọng quý vị sẽ không gặp bất kỳ khó khăn nào khi xin giấy phép lao động cho lao động người nước ngoài của công ty mình. Trong trường hợp quý vị có bất kỳ câu hỏi nào về giấy phép lao động, hãy cho chúng tôi biết để được giải đáp.